Hàng năm, vào ngày 14 tháng 8 âm lịch, Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam phối hợp với UBND huyện Hưng Hà tổ chức đại lễ giỗ Đức Hoằng Nghị Đại Vương - Thượng đẳng phúc thần, húy danh Trần Thủ Huy. Đây là sự kiện trọng đại trong đời sống văn hóa tâm linh của bà con họ Trần Việt Nam; là nghi thức thiêng liêng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn kết tình cảm huyết thống con cháu hậu duệ nhà Trần hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên, đồng thời phát huy truyền thống đoàn kết trong dòng họ và đoàn kết muôn dân trăm họ trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Theo sử sách lưu truyền và qua các hội thảo khoa học đã khẳng định: Đức Hoằng Nghị Đại Vương là một danh nhân lịch sử, người có công lao to lớn trong quá trình dựng nghiệp của nhà Trần. Người đã tổ chức dân chúng khai canh lập ấp, phát triển nghề nông, xây dựng thôn, làng, lập nên khu bến Trấn trở thành khu kinh tế phồn thịnh. Cụ Hoằng Nghị đã tổ chức dạy võ cho nhân dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh bảo vệ thành quả lao động do mình làm ra không bị cướp phá. Ngoài ra, cụ còn tham gia dạy chữ, dạy văn để nhân dân có tri thức, làm quan giúp dân, giúp nước. Khi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, cụ quyết định thành lập đội quân dân binh hùng mạnh lấy tên là quân Tinh Cương liên kết khu Bến Trấn với khu hải ấp của người anh ruột là Trần Lý, sau này đã giúp triều Lý dẹp giặc. Mô hình đội quân Tinh Cương (Long Hưng) đã được nhân rộng trong cả nước và đây cũng là đội quân nòng cốt, đóng góp to lớn vào chiến công hiển hách cả 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông của nhà Trần ở thế kỷ XIII. Thế lực của anh em họ Trần mỗi ngày một mạnh và được cụ Tô Trung Từ giúp đỡ cụ Hoằng Nghị và cụ Trần Lý vào làm quan trong triều Lý. Cụ Hoằng Nghị luôn luôn dạy anh em con cháu: "Hãy nghĩ những điều chưa ai nghĩ tới, hãy làm những việc chưa ai làm được". Nhà Lý hết vận, mỗi ngày một suy, mất mùa liên tiếp, vua quan nhu nhược, dân đói rách, lầm than, giặc nổi lên khắp nơi, quân phản loạn Quách Bốc chiếm được kinh đô khiến cả triều đình vô cùng nguy khốn. Khi đó, anh em họ Trần đã phải đưa Lý Huệ Tông về nhà cụ Trần Lý tại Long Hưng lánh nạn, đồng thời giúp nhà Lý đánh tan quân giặc. Cụ Hoằng Nghị đã anh dũng hy sinh vào trung tuần tháng Tám âm lịch trong trận đánh cuối cùng với giặc Quách Bốc. Khi dẹp xong loạn lạc, vua Lý Huệ Tông về Thăng Long điều hành đất nước và phong cụ Trần Thủ Huy là Đức Hoằng Nghị Đại Vương - Thượng đẳng phúc thần và xây đền thờ tại thôn Ứng Mão, phủ Long Hưng. Nhân dân trong vùng tri ân, lập đền phụng thờ cụ mang tên đền Nhà Ông, tọa lạc bên gốc đa cổ thụ tại thôn Ứng Mão, phủ Long Hưng (tức làng Mẹo) xưa, nay là thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đức Hoằng Nghị Đại Vương có rất nhiều người con nhưng có 3 người con trí dũng song toàn là An Quốc Đại Vương, An Hạ Đại Vương và An Bang Đại Vương tức Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. Trong đó, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, vị anh hùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258), người sáng lập nên vương triều Trần - một triều đại với võ công oanh liệt và văn trị rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Đức Hoằng Nghị Đại Vương, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ cùng các danh tướng nhà Trần đã giúp triều Lý đánh tan giặc Quách Bốc đưa vua Lý Cao Tông trở lại kinh thành Thăng Long trị vì đất nước. Đến khi nhà Lý hết vận, không đủ sức lãnh đạo, triều đình nghiêng ngả, dân tình chết đói tới một phần ba, giặc cướp nổi lên, giặc ngoại xâm nhòm ngó, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung đã dàn xếp để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Ngày 12 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225), Trần Cảnh chính thức lên ngôi hoàng đế, đây là tất yếu khách quan, hợp với lòng trời, lòng dân. Làm một cuộc cách mạng thay đổi triều đại từ nhà Lý sang nhà Trần mà không mất một giọt máu, tạo cho đất nước ổn định và phát triển. Trần Thủ Độ là người có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (năm 1258) và lưu danh với câu nói bất hủ "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". Ông là người có công sáng lập triều Trần, được vua phong làm Quốc Thượng Phụ rồi Thái sư. Ông cũng là người thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước những năm đầu triều Trần, củng cố và xây dựng quốc gia Đại Việt vững mạnh cả về chính trị, kinh tế, quân sự, giúp Vương triều Trần làm tròn sứ mệnh của lịch sử giao phó, mở mang bờ cõi, làm rạng rỡ non sông Đại Việt.
Trải qua 175 năm xây dựng, phát triển và hưng thịnh, nhà Trần đã tạo lập được những kỳ tích huy hoàng: Chấm dứt tình trạng hỗn loạn của xã hội Đại Việt vào những năm cuối của Vương Triều Lý, xây dựng nhà nước vững mạnh từ trung ương đến cơ sở. Lập lại trật tự chính trị - xã hội, củng cố sự thống nhất của quốc gia, chăm lo phát triển kinh tế, khoan thư sức dân. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng nền văn minh của nước Đại Việt phát triển lên một tầm cao mới. Quân dân Đại Việt ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, bảo vệ vững chắc độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, làm rạng danh lịch sử của dân tộc, tạo nên hào khí Đông A bất diệt. Nhà Trần đã để lại cho dân tộc một nền văn hóa rực rỡ nhất trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quân sự, ngoại giao và để lại những bài học vô cùng quý giá về lẽ sống làm người, làm vua, làm quan, làm tướng. Căn cứ vào các công trình khoa học nghiên cứu về các giá trị di sản lịch sử, văn hóa thời Trần, Tổng thư ký Liên hiệp các hội UNESCO thế giới đã cấp Bằng tôn vinh giá trị di sản lịch sử, văn hóa thời Trần thế kỷ XIII cho họ Trần Việt Nam và cũng là dòng họ duy nhất được Liên hiệp các hội UNESCO thế giới tôn vinh.
Đáp ứng tâm nguyện của bà con họ Trần trong cả nước có một nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, đến ngày giỗ tổ trở về dâng hương tri ân tiên tổ, đại gia đình Chủ tịch họ Trần Việt Nam và Tập đoàn Hương Sen phát tâm công đức cùng với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, bà con họ Trần, sự tâm phúc của muôn dân trăm họ đã tôn tạo, xây dựng lại đền Nhà Ông mang lối kiến trúc cổ truyền kết hợp với hiện đại, uy nghiêm, tráng lệ mang tên Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam thờ các vị có công giúp triều Lý, triều Trần xây dựng quốc gia Đại Việt hùng cường, ba lần đánh tan giặc Nguyên - Mông. Năm 2011, Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cấp Bằng bảo trợ Di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt, ngày 17/8/2015, Liên hiệp các hội UNESCO thế giới đã cấp Bằng bảo trợ công nhận Lăng và Đền thờ Tổ họ trần Việt Nam là di sản có giá trị lịch sử văn hóa và giáo dục truyền thống của Việt Nam. Năm 2016, đại gia đình Chủ tịch họ Trần Việt Nam và Tập đoàn Hương Sen đã phát tâm công đức xây dựng Đền thờ Thánh Mẫu và chủ trương quy hoạch xây dựng chùa trong quần thể khu di tích Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam, hình thành khu kinh tế, văn hóa tâm linh, khắc sâu ấn tượng cội nguồn hào khí Đông A muôn đời tỏa sáng.
Đại lễ giỗ Đức Hoằng Nghị Đại Vương năm nay, tại khu di tích đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam và đền thờ Thánh mẫu Việt Nam, Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động dâng hương tế lễ, bái yết tổ tiên. Tại đây sẽ tổ chức hội nghị đại biểu họ Trần Việt Nam bàn về tổ chức họ Trần Việt Nam thế kỷ 21, tái hiện lại chợ thời nhà Trần. Đại lễ sẽ thu hút 10.000 con cháu họ Trần và bà con các dòng họ trên cả nước về tham dự. Đến nay, mọi công việc chuẩn bị cho đại lễ được Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo. Nhân sự kiện trọng đại giỗ đức Hoằng Nghị Đại Vương, toàn thể con cháu hậu duệ nhà Trần xin bày tỏ lòng thành kính và đời đời ghi nhớ công ơn tổ tiên đã xây dựng thời Trần “Văn giỏi võ nhiều, ngoài dân thịnh vượng trong triều hiển minh. Con cháu họ Trần nguyện phát huy truyền thống “Hào khí Đông A - muôn đời tỏa sáng”, đoàn kết, sáng tạo xây dựng dòng họ ngày càng phát triển vững mạnh, cùng với con em các dòng họ trong cả nước xây dựng nước Việt Nam ngày càng phát triển, thịnh vượng.
Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam (thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà)
Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen, Chủ tịch họ Trần Việt Nam trao cờ cho các đơn vị có những đóng góp tích cực xây dựng dòng họ
Tái hiện Hào khí Đông A thời nhà Trần nhân dịp Đại lễ giỗ Đức Hoằng Nghị Đại Vương năm 2017
Anh hùng Lao động, nghệ nhân Trần Văn Sen