Tối 31/5, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam lần thứ 28; giải thưởng WIPO năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết: Trong 28 năm qua, Giải thưởng đã thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo các nhà khoa học, các nhà công nghệ trong cả nước.
Hàng nghìn công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học được triển khai trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội và lĩnh vực an ninh-quốc phòng đã đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Những kết quả đạt được của Giải thưởng là sự tiếp nối kết quả của các lần tổ chức trước, là nền tảng quan trọng tạo đà trong giai đoạn mới của đất nước. Giải thưởng góp phần động viên phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo khoa học và công nghệ trong cả nước.
Giải thưởng lần này được trao cho 6 lĩnh vực: Cơ khí Tự động hóa; Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới;Thông tin, điện tử và viễn thông; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống và lĩnh vực Công nghệ vật liệu.
Tổng số có 43 công trình đoạt giải, gồm: 4 giải Nhất, 9 giải Nhì, 15 giải Ba và 15 giải Khuyến khích. Các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, phổ biến và tổ chức cũng được trao thưởng...
Nhóm tác giả giả Thạc sĩ Trần Văn Trà, KS Phạm Duy Nhật, KS Hà Văn Kiên từ Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen vinh dự nhận giải WIPO 2022.
Đối với giải WIPO năm 2022, tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới trao giải cho 2 công trình xuất sắc:
Công trình "Cải tiến kết cấu giá thể sinh học bằng nhựa PET phế liệu để nâng cao hiệu quả xử lý nước thải trong sản xuất ngành đồ uống"
Dựa trên nguyên lý chung của giá thể sinh học, là nơi để vi sinh bám vào và phát triển, nhóm tác giả đã chế tạo các giá thể sinh học cho mùi xử lí biến khí bằng chai nhựa phế liệu với mong muốn nhân rộng công trình cho tất cả các doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình có cùng hệ thống nước thải tương tự.
Chất lượng nước thải xử lí bằng công nghệ này đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn Việt Nam đối với nước thải ra môi trường. Ngoài ra, chất thải sệt chứa bột trợ lọc được sấy khô bằng cách tận dụng nhiệt lò hơi và khử khuẩn khử mùi bằng ozon.
Đây là các giải pháp mới và hiệu quả trong việc xử lí các chất thải trong nhà máy sản xuất nghành đồ uống. Việc tận dụng các chai nhựa làm giá thể sinh học trở thành một giải pháp hiệu quả để thu gom quy mô lớn chai lọ, chất dẻo phế liệu. Góp phần quan trọng ngăn chặn chất dẻo gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó là công trình "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị chiên chân không liên tục, ứng dụng trong chế biến sản phẩm snack chiên từ nguồn nông thủy sản Việt Nam", của tác giả Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Khương, Thạc sĩ Tạ Phương Thảo và các cộng sự - Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nguồn: Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam lần thứ 28 (nhandan.vn)